Lượt xem: 970

Sóc Trăng ghi dấu qua 11 năm đổi mới nông thôn

Được chia tách từ tỉnh Hậu Giang cũ, Sóc Trăng bắt đầu hành trình tái lập (năm 1992) với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn… Sau 30 năm tái lập, đặc biệt là qua 11 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn Sóc Trăng đã “thay áo mới”, đời sống vật chất, tinh thần người dân cải thiện rõ nét, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được xích lại gần hơn.

 

    Nông thôn “cũ” được thay “áo mới”

    Là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận nông thôn mới, không chỉ người dân Mỹ Xuyên mà người dân trong tỉnh Sóc Trăng cũng cảm thấy tự hào, phấn khởi. Nhờ tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư của Trung ương, tỉnh và huy động nguồn nội lực thông qua các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Mỹ Xuyên đã huy động sức người, sức của trong dân để xây dựng nông thôn như hiến đất xây trường, xây dựng cầu nông thôn, làm đường, trồng hoa, làm cột cờ… với tổng số tiền hàng trăm tỉ đồng, đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đến nay, Mỹ Xuyên có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 1,62%. Thu nhập bình quân trên đầu người đạt 52,96 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều mức bình quân chung của tỉnh.


Bộ mặt nông thôn mới huyện Mỹ Tú. Ảnh: H.LAN

 

    Từ một vùng quê nghèo, hành trình xây dựng nông thôn mới của huyện Mỹ Tú cũng gặp không ít khó khăn nhưng với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện đến đầu năm 2022 địa phương này đã có 5/8 xã được công nhận xã nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nếu có dịp về quê hương Mỹ Tú, chúng ta mới thấy hết sự thay da đổi thịt của vùng quê nghèo ngày nào. Các tuyến đường về trung tâm, đường liên ấp… đủ các loại hoa đua nhau khoe sắc, những căn nhà vách lá đã dần được thay bằng nhà tường kiên cố có hàng rào khang trang. Đây là kết quả của công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân nhận thức được chính họ là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và là người trực tiếp thụ hưởng. Qua đó, đã tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cải thiện kinh tế gia đình, nâng chất cuộc sống, đóng góp sức người, cộng đồng trách nhiệm cùng với các cấp ủy, chính quyền xây dựng quê hương.

    Từ đó cho thấy, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao từ người dân. Trong 11 năm xây dựng nông thôn mới, cả tỉnh huy động trong dân trên 1.700 tỉ đồng và trên hàng trăm ngàn m2 đất thông qua thực hiện các công trình “ý Đảng, lòng dân”, góp phần cùng tỉnh thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 58/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 72,25%; 9 xã nông thôn mới nâng cao, chiếm 11,25%; các xã còn lại đều đạt trên 15 tiêu chí. Có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,17 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với trước khi triển khai chương trình; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 22,31% xuống còn 1,64% vào cuối năm 2021.

    Hướng đến nông thôn mới bền vững

    Xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng, qua 11 năm xây dựng nông thôn mới, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng Sóc Trăng vẫn chưa hài lòng, bởi một số tiêu chí ở một số địa phương đã được công nhận đạt nhưng chưa bền vững, điển hình như tiêu chí hộ nghèo. Việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đã được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu và không theo kịp với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường; tình trạng lốc xoáy, sạt lở, xâm nhập mặn, triều cường ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng nông thôn. Các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ ở nông thôn chưa chuyển biến tích cực, hầu hết các hợp tác xã hiện hữu chậm đổi mới phương thức quản lý và vận hành, đa số hoạt động kém hiệu quả. Môi trường nông thôn tuy có sự cải thiện thông qua các mô hình bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp nhưng việc duy trì, nhân rộng còn nhiều khó khăn… Vì vậy, để duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí, tất cả các xã đã đạt chuẩn, triển khai xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo quy định, nhất là thực hiện đích đến của xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với dịch vụ, thương mại, du lịch…

    Huyện Mỹ Xuyên sẽ tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; nhất là đối với các tiêu chí Nhà nước và nhân dân cùng làm. Xây dựng, nhân rộng các mô hình kiểu mẫu, tạo chuyển biến rõ nét diện mạo nông thôn. Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, theo hướng hữu cơ, từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản, theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm… góp phần tăng giá trị sản xuất cho nhân dân, hướng đến xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.


Dù đã cán đích nông thôn mới nhưng nhiều địa phương đã và đang hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển bền vững. Ảnh: H.LAN

 

    Để hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, Sóc Trăng tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm, sự chung tay, đồng lòng của người dân, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong xây dựng nông thôn mới. Để người dân thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Quan tâm nhân rộng các mô hình hiệu quả, các điển hình tiên tiến, các kinh nghiệm và cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số. Huy động, lồng ghép tối đa các nguồn lực để thực hiện các nội dung về xây dựng nông thôn mới.

    Với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tin rằng đến năm 2025, Sóc Trăng sẽ đạt mục tiêu có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó, có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu), có 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (trong đó, có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao), góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

H. LAN



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 8304
  • Trong tuần: 79,011
  • Tất cả: 11,802,331